THAM THIỀN: TIẾNG VÔ THINH
Quyển The Voice of the Silence do bà Blavatsky viết ra năm 1889 được phân đoạn thành 316 câu, nay để việc tham thiền về sách được thuận tiện hơn, vị huynh trưởng của chi bộ Phụng Sự là huynh François Mylne có nỗ lực lớn lao là xếp đặt chúng thành những câu trong tháng. Thêm vào đó là một số giải thích hoặc từ ngữ hoặc ý trong câu, tất cả giúp ta rất nhiều trong việc hiểu thấu đáo nghĩa của sách. Dụng ý của việc mỗi ngày bạn tham thiền một câu trong The Voice of the Silence là giống như hiện tượng toàn cầu hóa globalization, nay khi người Việt rải khắp năm châu thì hằng ngày, một tư tưởng trong quyển The Voice có thể bao trùm địa cầu khi hội viên Việt Nam ở khắp thế giới cùng tham thiền về đề tài đó. Ấy là tham thiền đại đồng của tân kỷ nguyên. (Chuyện cũng áp dụng khi ta tham thiền theo quyển ‘Chân Lý Hằng Ngày, khi ấy đó là cùng một tư tưởng của Chân sư).
Nói thêm về sách này, trong thư gửi cho học viên trường Bí giáo ngày 29-11-1889, bà Blavatsky viết.
– Các bạn hãy đọc quyển The Voice. Nó được viết theo lệnh của Chân sư cho, và hiến tặng cho, các bạn. Các bạn sẽ tìm thấy trong đó những câu hỏi được đón biết trước và trả lời.
Giá trị của sách sẽ được nhận thức rõ hơn khi ta đặt nó vào bối cảnh của Hội, cũng như nói đến sách thì không thể không nói đến tác giả. Bà Blavatsky là người phụng sự gương mẫu, công lao của bà đối với phong trào Theosophia nhiều không kể hết được, với công cuộc phi thường của bà có thể ghi lại như sau:
1. Thành lập Hội Theosophia (1875) và viết bộ Isis Unveiled (1877) và The Secret Doctrine (1888).
2. Lập Esoteric School (1888) để hội viên giảng giải, đem lại sự Hiểu biết cho nhân loại.
3. Lập Inner Group trong Esoteric School để từ Hiểu biết, học giả và hành giả thấu đáo được Chân lý, là mục đích và tiêu ngữ của Hội.
Phần 1 thuộc về thân, phần 2 và 3 thuộc về Trí. Nói rộng ra thì:
1. Với sự thành lập Hội, bà đã mở rộng cửa để đón tiếp những ai khao khát học Đạo.
2. Lập Esoteric School để những hội viên đã biết Đạo được cơ hội sống Đạo.
3. Bà tuyển lựa 12 người trong trường Bí giáo để huấn luyện thêm ngõ hầu họ trở thành rường cột, những người lãnh đạo nối tiếp bà. Các tiêu chuẩn có thể là theo đặc tính chiêm tinh của 12 vì sao của đường hoàng đạo zodiac. Sự tổng hợp có thể bao trùm tâm linh của toàn thể hội viên trên thế giới, giữ cho tinh thần Theosophia được liên tục.
Inner Group này sinh hoạt gần HPB, trong bầu tư tưởng của bà tức có sự liên hệ với hai vị Chân sư sáng lập Hội. Ảnh hưởng che chở nhờ sự hiện diện của bà thấy rõ nhất khi nó không còn nữa. Nói khác đi thành viên của nhóm gặp nhiều vấn đề cá nhân ngay sau khi bà qua đời và được thiêu xác.
Việc viết quyển The Voice và sự đáp ứng của một số nhân vật được thuật lại như sau, vài đoạn đã được ghi trong bài HPB trên báo PST số 67.
1. Annie Besant.
Tôi đến Paris cùng với ông Herbert Burrows để dự Hội nghị Lao động ở đó từ 15-20 tháng 7, 1889 và ghé thăm bà Blavatsky một hay hai ngày ở Fontainebleau, nơi bà đang nghỉ ngơi vài tuần. Ở đó tôi thấy bà đang dịch những đoạn từ The Book of the Golden Precepts - Kim Huấn Thư thành sách mà nay được biết hết sức rộng rãi dưới tên The Voice of the Silence.
Bà viết mau lẹ, không có tài liệu nào trước mặt. Tôi ngồi trong phòng lúc bà viết sách ấy, tôi biết bà ghi lại mà không dựa vào bất cứ sách nào, viết ra đều đặn, giờ này sang giờ kia, y như là bà viết hoặc từ ký ức hoặc do đọc nó mà không thấy có cuốn sách nào; đến chiều bà kêu tôi đọc lớn phần đã viết để xem ‘tiếng Anh có đúng’. Ông Herbert Burrows có đó, luôn cả bà Candler, một hội viên Hoa Kỳ tha thiết với Hội, và chúng tôi ngồi quanh HPB trong lúc tôi đọc. Bản dịch tiếng Anh toàn hảo và đẹp đẽ, trôi chẩy và du dương, chỉ có một hay hai chữ là chúng tôi thấy nên thay đổi. Bả nhìn chúng tôi như đứa bé kinh ngạc, lạ lùng về những lời khen của chúng tôi là ai biết về văn chương một chút sẽ ưng ý ngay nếu họ đọc bài viết diễm tuyệt như thơ này.
2. G.R.S. Mead.
Mãi tới đầu tháng 8-1889 tôi mới đến làm việc luôn với HPB như là thư ký riêng cho bà ... Ngày kia, không lâu sau khi tôi đến, bà bất ngờ vào phòng với tập bản thảo và đưa nó cho tôi, bảo.
– Anh đọc đi, ông già, và cho tôi hay anh nghĩ sao về nó.
Đó là bản thảo phần ba cuốn The Voice, và trong lúc tôi đọc thì bà ngồi đó hút thuốc, nhịp chân trên sàn là thói quen của bà. Tôi mê mải đọc, quên mất là bà có đó,vì sự diễm lệ và thanh cao của đề tài cho đến khi bà phá vỡ sự im lặng của tôi và hỏi.
– Sao ?
Tôi thưa với bà đó là những câu đẹp đẽ nhất trong tất cả sách vở Theosophia và cố gắng, trái với thói quen của tôi, diễn tả bằng lời nỗi hứng thú mà tôi cảm được. Nhưng dù vậy HPB vẫn chưa hài lòng với sách và lo lắng nhiều là bà đã không dịch sát với bản chính, và phải khó khăn lắm chúng tôi mới khiến HPB tin rằng bà đã làm rất hay.
Đây là một trong những đặc tính chính của HPB. Bà không hề tự tin về những tác phẩm của mình và luôn vui vẻ lắng nghe mọi lời phê bình, ngay cả của ai lẽ ra nên ngậm miệng. Chuyện là bà rất nhát với các bài viết hay nhất của mình, và tự tin hơn hết với các bài tranh luận.
3. D.T. Suzuki.
Ông là người mang Thiền của Phật giáo đến cho tây phương, và nhận xét:
– Không có nghi ngờ gì là bà Blavatsky đã được chỉ dạy phần thâm sâu nhất của giáo lý đại thừa …
Để hiểu rõ ý này, xin nói thêm là trước khi có bài khảo luận của ông về Phật giáo đại thừa năm 1927, thực tế là tất cả kinh điển Phật giáo mà phương tây biết và nghiên cứu là kinh dịch của phái tiểu thừa. Vì thế khi tiến sĩ Suzuki lần đầu tiên đọc quyển The Voice of the Silence, ông lấy làm kinh ngạc và viết cho vị hôn thê:
– Đây là Phật giáo đại thừa chính thật.
Ông rất coi trọng HPB. Khi đến Hoa Kỳ năm 1935 và tới hội quán tại Point Loma, California, lúc bước vào ông lập tức bị tấm hình của HPB trên tường thu hút; sau khi đứng lặng trước hình chìm đắm suy tưởng, ông quay sang chủ nhân, ông Boris de Zirkoff là cháu HPB, nói.
– Bà là một người đã đạt.
4. Đức Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma) thứ chín.
Năm 1927 quyển The Voice of the Silence được ấn hành tại Trung Hoa với một bài viết ngắn của vị Panchen Lama bằng tiếng Tây Tạng theo yêu cầu của ngài, cũng như ấn bản thực hiện do ước muốn của ngài. Bản dịch Anh văn như sau:
All beings desire liberation from misery
Seek, therefore, for the causes of misery and expunge them.
By entering on the path, liberation from misery is attained.
Exort, then, all beings to enter the path.
Tạm dịch:
Mọi chúng sinh đều mong thoát khổ.
Vậy hãy tìm nguyên do sự khổ và loại trừ nó.
Bằng cách vào đường Đạo, được thoát khổ.
Hãy kêu gọi tất cả chúng sinh nhập Đạo.
Nói về sự phân chia trách nhiệm trong Phật giáo Tây Tạng thì theo truyền thống, vị Panchen Lama được xem là lo về mặt bí truyền, giáo lý của Phật giáo và vị Dalai Lama lo về phần công truyền, chính trị. Đức Panchen Lama chủ trì tu viện Tashilunpo, nơi mà bà Blavatsky theo học nhiều năm và quen biết rất thân vị Panchen Lama tiền nhiệm.
5. Đức Dalai Lama.
Năm 1989, nhân kỷ niệm 100 năm ngày xuất bản sách, một ấn bản đặc biệt quyển The Voice of the Silence được phát hành với Lời Mở Đầu của đức Dalai Lama viết, trong đó có đoạn:
- Tôi tin rằng quyển sách này đã ảnh hưởng mạnh mẽ nhiều người tầm Đạo chân thành và người chí nguyện về minh triết và từ ái của con đường Bồ Tát. Tôi rất hoan nghênh ấn bản kỷ niệm 100 năm và hy vọng là sách sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa.
Ấn bản này cũng in lại bài viết trên của đức Panchen Lama năm 1927.
6. Alfred, Lord Tennyson, đại thi hào của Anh.
Có giai thoại nói rằng ông đọc quyển The Voice vào lúc sắp lìa trần, người ta thấy sách trên bàn cạnh giường khi ông qua đời. HPB nhận xét về một trong các bài thơ chót của Tennyson như sau:
– Thấy như Lord Tennyson có đọc sách Theosophia, hay giống như chúng tôi đã được gợi hứng bởi cùng những chân lý vĩ đại.
Còn chính HPB thì bà nói như sau về sách trong thư cho em gái Vera:
– The Voice of the Silence dù chỉ là quyển sách nhỏ … thực ra là các dụ ngôn lớn lao. Chị có thể nói vậy vì em biết chị không sáng tạo ra sách ! Chị chỉ dịch nó từ tiếng Telugu là thổ ngữ xưa nhất của nam Ấn Độ. Sách có ba phần, về đạo đức và các nguyên tắc đạo đức của nhà thần bí Mông Cổ và Ấn Độ. Một số câu thâm trầm và đẹp đẽ tuyệt vời.
Trở lại với sách, việc đáng chú ý về các tác phẩm của bà là phần trí được đưa ra trước để chuẩn bị, qua Isis Unveiled và The Secret Doctrine, trong đó Tâm pháp được đề cập rải rác. Mãi đến năm 1889 bà Blavatsky mới đưa chỉ dẫn về Tâm pháp có hệ thống để tất cả người chí nguyện có cơ hội phát triển Buddhi (Bồ đề tâm). Đó là những huấn thị trong quyển The Voice, đó chính là Triết Lý Bí Truyền (Gupta Vidya) ghi trong Những Nấc Thang Vàng, nếp sống với chân lý.
Tính cách tâm pháp này được thể hiện rõ qua nhiều câu trong sách, trong đó ba câu hay được trích dẫn:
59. Hãy để cho Hồn con lắng tai nghe mọi tiếng đau khổ, như hoa sen nở lớn để hứng ánh sáng mặt trời buổi ban mai.
60. Con chớ để cho nắng gắt làm khô một giọt nước mắt đau khổ nào, trước khi con lau ráo lụy cho cặp mắt của người buồn khổ.
61. Con hãy để cho giọt nước mắt của thế gian rơi vào lòng con, đọng lại ở tim con, chớ không khi nào lau đi, trước khi nguyên nhân gây đau khổ tiêu tan.
Nếu ta đặt Hội và sách vào bối cảnh rộng hơn nữa thì thấy là đến một giai đoạn tiến hóa nào đó, Vị Sanat Kumara sẽ nêu ra hai phong trào căn bản, đó là:
– Phong trào tôn giáo, và
– Phong trào Theosophia
Bác ái đã từng được giảng dạy trong các tôn giáo, nhưng phải đợi tới năm 1875 Minh triết mới được tiết lộ. Đó là vì chân lý phải đương đầu với mê tín, dị đoan trong tôn giáo, chủ nghĩa duy vật do khoa học chủ trương.
Hội TTH thuộc phong trào Theosophia, với bà Blavatsky giữ phần giáo lý. Bà là người duy nhất được chọn sau một thời gian dài học tập để có hiểu biết về sứ mạng. Bà phải là một chiến sĩ để đương đầu với ngoại cảnh và đồng thời phải hoàn tất sự huấn luyện gắt gao của giai đoạn làm đệ tử. Bà là sự thể hiện của Bác ái và Minh triết và giống như các đấng cao cả, bà là hiện thân cho người đi theo Tiếng Vô Thinh, là gương cho ai muốn theo đường Đạo.
Có lẽ điều đáng nói nhất về nội dung sách là sự nhấn mạnh đến khác biệt giữa tâm pháp và nhãn pháp, cùng ý thiết tha về điều sau. Ta ghi ra đây những đoạn nói về hai con đường này.
102. Phật pháp chia ra tâm truyền và công truyền, gọi là Tâm pháp và Nhãn pháp. Gọi là Tâm pháp vì lẽ giáo pháp đó do tâm Đức Phật trao truyền, còn Nhãn pháp là sản phẩm của trí não Ngài.
111. Nói rộng ra thì nhãn pháp là sự học của đầu óc và tâm pháp là sự minh triết của tâm hồn.
119. Nhãn pháp để dành cho quần chúng, Tâm pháp dành cho kẻ được tuyển lựa. Hạng thứ nhất lập lại một cách kiêu căng: “Hãy coi ! Tôi biết.” Hạng sau là những kẻ thâu lượm một cách khiêm tốn và nhỏ nhẹ thú nhận : “Ðây là điều tôi đã nghe được”.
127. “Nhãn pháp” là hiện thân của cái bên ngoài và cái không tồn tại.
“Tâm Pháp” là hiện thân của Bồ Đề (Bodhi), cái thường trụ và cái trường tồn.
Nhãn pháp không đưa con người đi xa vì nó sử dụng cái trí mà muốn đi tới chân lý rốt ráo thì phải vượt qua trí năng và phát triển trực giác, bồ đề tâm. Vào thời điểm ta đang sống hiện nay, trí năng phát triển mạnh mẽ, sự việc thường được nhìn theo trí năng thay vì trực giác do đó nếu không nhận xét kỹ và biết phân biệt, ta có thể đi lạc hướng.
Ý chính của việc tham thiền mỗi ngày một câu trong quyển The Voice là sống Đạo ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Quyển The Voice of the Silence soạn để tham thiền cho 12 tháng, được mang lên trang web PST hầu phổ biến cho người Việt khắp nơi, theo như mong ước của huynh François Mylne.
Bản này dựa theo quyển Tiếng Vô Thinh, dịch giả Nguyễn văn Nhuận, ấn bản năm 1968, có thay đổi vài chữ và thêm một số ghi chú, giải thích do huynh François Mylne soạn ra. Xin mời bạn vào trang web PST để đọc, hay in ra và đóng thành sách tiện cho việc sử dụng hằng ngày. Nếu bạn có thể đóng góp vào việc chung là tạo màng lưới tham thiền mỗi ngày về cùng một câu trong sách thì rất hay. Màng lưới này sẽ thành màng lưới ánh sáng, là nỗ lực chung của nhóm, làm chân lý được sáng tỏ hơn cho người tầm Đạo.
Tham khảo.
– Tài liệu riêng.
– The Esoteric World of Madame Blavatsky,
Daniel Caldwell. 2nd edition. 2001.